Không ngại va chạm, không ngừng học hỏi - Associate Engineer kể về bước đi đầu tiên tại Spartan

Không phải ai cũng bắt đầu hành trình sự nghiệp bằng một loạt “tên tuổi lớn”. Có những người đi từ rất sớm, có nền tảng chắc chắn từ thời phổ thông, nhưng chọn cách phát triển từng bước trong môi trường phù hợp, vừa đủ thử thách, vừa đủ hỗ trợ. 

Buổi trò chuyện hôm nay là một hành trình như thế – một sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, từng mê thi học sinh giỏi Tin học, hiện đang là Associate Software Engineer tại Spartan, chia sẻ về quá trình phỏng vấn đầu đời, việc học ở EngineerPro và cảm giác bước ra thế giới thật từ hành lang trường học.

Trước tiên, cảm ơn bạn đã nhận lời tham gia chia sẻ. Bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân và con đường đi làm đầu tiên của mình không?

Em hiện đang là sinh viên năm cuối của một trường tại Đà Nẵng, Còn đi làm thì em bắt đầu từ đầu năm ngoái. Công việc đầu tiên của em cũng là công việc hiện tại luôn – em đang làm Associate Software Engineer tại Spartan. Lúc đầu thì là thực tập sinh thôi, nhưng sau khoảng mấy tháng thì công ty giữ lại làm chính thức.

Cũng khá may mắn là ngay từ lần apply đầu tiên là em đã đậu rồi, không phải qua nhiều vòng rải hồ sơ như mọi người. Lúc đó em được một anh khóa trên giới thiệu nên cũng tự tin hơn chút khi nộp đơn.

Vậy lúc apply, bạn có phải chuẩn bị và ôn luyện nhiều không? Quá trình đó diễn ra thế nào?

Thật ra thì lúc đó em không ôn nhiều. Tại bản thân đã có nền tảng sẵn rồi. Hồi cấp ba thì em học chuyên Tin, lên đại học năm nhất năm hai thì có đi thi ACM, nên mấy cái thuật toán em cũng khá quen.

Đến lúc chuẩn bị phỏng vấn thì chỉ cần ôn lại một số dạng cho quen tay thôi chứ không phải học từ đầu. Em nghĩ chắc nhờ học lâu rồi nên giờ đỡ hơn, còn bạn nào mới bắt đầu thì chắc sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Bạn có thể kể rõ hơn về quá trình phỏng vấn tại Spartan được không? Gồm những vòng nào, cảm giác ra sao?

Em trải qua tổng cộng bốn vòng. Ba vòng đầu thì toàn là coding – cụ thể là DSA. Mỗi vòng một đề, độ khó tăng dần. Có vòng chỉ một bài, có vòng hai bài. Nhưng chủ yếu là bài kiểu thiên về code chắc tay hơn là tư duy sáng tạo. Nói là medium nhưng nếu mình từng luyện LeetCode rồi thì cũng không đến nỗi quá căng.

Vòng cuối là phỏng vấn với anh CEO. Thực ra em cũng lo vì tưởng sẽ hỏi sâu về định hướng, về kỹ năng mềm… nhưng không. Cuộc trò chuyện diễn ra rất nhanh, đơn giản, không áp lực nhiều. Hơi bất ngờ vì không giống các công ty “startup khó tính” như mình từng nghe.

Vậy trong quá trình đó, đâu là điều khiến bạn cảm thấy khó nhất?

Khó nhất chắc là phần tâm lý. Đây là lần đầu tiên em đi phỏng vấn một công ty thực sự, lại còn được giới thiệu bởi người quen nên áp lực nó khác.

Có vòng em cứ nghĩ là phải làm được bài mới được đánh giá cao, nên hơi căng. Nhưng sau khi gặp anh interviewer dễ tính, ảnh bảo “em cứ làm đi, anh nhìn là biết được rồi” thì em mới thở phào. Em rút ra được một điều là: không chỉ giỏi code là được, mà phải biết cách chia sẻ cách mình nghĩ, cách tiếp cận bài, nói chuyện rõ ràng – cái đó nhiều khi còn quan trọng hơn cả kết quả.

Sau khi vào làm, trải nghiệm đi làm thực tế đầu tiên của bạn như thế nào?

Lúc đầu thì đúng là sốc thật ạ. Em chưa từng dùng Git nghiêm túc, chưa biết setup local, chưa biết cách đọc code base lớn.

Tuần đầu tiên vào là vật lộn với cái máy luôn. Có ngày chỉ cài được một cái dependency, chạy thử thì lỗi, fix xong lại lỗi khác. Có hôm về nhà stress luôn, cảm giác như mình đang học lại từ đầu vậy. Nhưng qua tuần thứ hai thì bắt đầu quen hơn. Đồng nghiệp cũng hỗ trợ rất nhiều, ai cũng vui vẻ, không có chuyện hơn thua hay làm khó gì cả.

Giờ thì em quen rồi, việc trôi hơn, cũng lên được associate rồi. Vẫn là backend là chính nhưng có khi cũng nhảy sang xem phần frontend hoặc hỏi thăm mấy anh chị về infra – startup mà, có gì làm nấy.

Đánh giá của bạn về khóa học và các mentor tại EngineerPro như thế nào?

Thật ra sau khi đi làm tại Spartan, thì em mới bắt đầu học DSA3 và cảm thấy các kiến thức trong DSA3 thì chưa áp dụng được nhiều trong công việc hiện tại vì nó nâng cao hơn, thiên về thuật toán phức tạp. Nhưng em nghĩ nó sẽ rất cần thiết nếu sau này em apply các vị trí cao hơn, hoặc công ty có hệ thống lớn hơn. Còn bây giờ thì chủ yếu học để giữ form, giữ nhịp, không bị quên mấy kiến thức nền.

Kiến thức trong DSA3 thì đúng là khó hơn bình thường rồi, nhưng nhờ cách truyền đạt cụ thể của anh Tùng, anh Quang Hoàng, anh Hiệp, nhiều ví dụ nên mình học tới đâu hiểu tới đó. Có gì không hiểu là hỏi được liền, không bị “ngồi mò một mình”. Em cảm thấy đó là cái giá trị lớn nhất khi học ở đây.

Nếu có lời khuyên dành cho các bạn đang chuẩn bị phỏng vấn, bạn sẽ nói gì?

Em nghĩ đơn giản là vậy thôi: ai cũng phải bắt đầu từ somewhere, cứ đi phỏng vấn đi, đừng ngại. Không ai pass ngay từ lần đầu đâu.

Học DSA chắc vào, luyện cho tay quen, hiểu pattern. Với các bạn đang chuẩn bị đi thực tập hay fresher thì DSA là quan trọng nhất. Còn lên mid, senior thì cần thêm system design, behavioral – mấy cái đó học sau cũng được.

Vậy bạn có định hướng gì cho tương lai? Có muốn apply công ty lớn hay học thêm gì ở EngineerPro không?

Ai mà không muốn làm ở Big Tech đúng không?

Em cũng muốn thử sức ở môi trường lớn hơn để học cách vận hành hệ thống quy mô lớn. Làm ở đó thì được tiếp xúc với công nghệ mới, scale to, mindset cũng khác. Còn khóa học thì nếu sắp xếp được thời gian, em sẽ đăng ký thêm System Design nâng cao. Em nghĩ muốn lên được senior hoặc tech lead thì không thể thiếu mảng đó.

Hành trình trở thành một kỹ sư phần mềm giỏi không chỉ bắt đầu từ điểm số trên CV, mà còn đến từ việc dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám đi phỏng vấn lần đầu, dám đối mặt với dòng code đầu tiên không chạy nổi. 

Câu chuyện của học viên EngineerPro tại Spartan là một ví dụ giản dị nhưng đầy cảm hứng – không màu mè, không kịch tính, nhưng thật và đáng nhớ. Từng bước một, với một nền tảng vững chắc và sự chuẩn bị kỹ càng, cánh cửa sự nghiệp rồi sẽ mở ra cho bất kỳ ai đủ kiên nhẫn và dũng cảm để gõ cửa.

_________________________________

Engineer Pro là một trung tâm đào tạo các khóa học chuyên sâu dành cho các software engineer. Với 100% giảng viên đến từ các Big Tech như Google, Amazon, Shopee, TikTok, … Engineer Pro đảm bảo chất lượng giảng dạy và lộ trình học tập rõ ràng, từ cơ bản đến nâng cao, giúp học viên tự tin ứng tuyển vào các vị trí software engineer trong ngành công nghệ này. 

Thông tin liên hệ:

Bài viết cùng danh mục:

icon icon icon